Cuộc đời Hoa Phong

Hoa Phong sinh vào giờ Tuất, ngày 10 tháng 11 (âm lịch) năm Gia Khánh thứ 9 (1804), trong gia tộc Ái Tân Giác La. Ông là con trai thứ ba của Túc Thận Thân vương Kính Mẫn, mẹ ông là Trắc Phúc tấn Lang Giai thị (郎佳氏)[1].

Thời Đạo Quang

Năm Đạo Quang thứ 4 (1824), tháng 12, ông được phong làm Tam đẳng Trấn quốc Tướng quân (三等鎮國將軍)[2].

Năm thứ 9 (1829), tháng 11, thăng làm Bất nhập Bát phân Phụ quốc công (不入八分輔國公), thụ chức Tam đẳng Thị vệ[3].

Năm thứ 28 (1848), tháng giêng, nhậm chức Tán trật đại thần.

Thời Hàm Phong

Năm Hàm Phong thứ 2 (1852), tháng giêng, thụ Phó Đô thống Hán quân Chính Hồng kỳ[4]. Tháng 9, thụ Chính Hoàng kỳ Hộ quân Thống lĩnh.

Năm thứ 3 (1853), tháng giêng, phụ thân ông qua đời, ông được thế tập tước vị Túc Thân vương (肅親王) đời thứ 8[5].

Năm thứ 4 (1854), tháng giêng, quản lý Tổng tộc trưởng Tương Bạch kỳ (鑲白旗總族長) [Chú 1].

Năm thứ 5 (1855), tháng giêng, nhậm Đô thống Hán quân Chính Lam kỳ[5]. Tháng 2 cùng năm, thay quyền Đô thống Mông Cổ Chính Hồng kỳ.

Năm thứ 6 (1856), ông thay quyền Đô thống Mông Cổ Chính Bạch kỳ[6], nhậm chức Nội đại thần[7].

Năm thứ 7 (1857), tháng 3, thụ chức Duyệt binh Đại thần (閱兵大臣)[8].

Năm thứ 8 (1858), tháng 5, nhậm Tương Hoàng kỳ Lĩnh thị vệ Nội đại thần[9], thay quyền Đô thống Mông Cổ Chính Hoàng kỳ[10].

Năm thứ 10 (1860), tháng 8, thụ Sùng Văn môn Chính giám sát (崇文門正监督)[11].

Năm thứ 11 (1861), tháng giêng, điều làm Chính Hoàng kỳ Lĩnh thị vệ Nội đại thần[12]. Tháng 10, nhậm Tông Nhân phủ Hữu tông chính (右宗正)[9].

Thời Đồng Trị

Năm Đồng Trị thứ 3 (1864), tháng 10, điều làm Tả tông chính (左宗正)[13].

Năm thứ 4 (1865), tháng 3, nhậm chức Nội đại thần (內大臣), Tông Nhân phủ Tông lệnh (宗令)[14], quản lý Tông Nhân phủ Ngân khố (宗人府銀庫). Tháng 6 cùng năm, vì duyên sự mà ông bị cách chức Tương Hoàng kỳ Lĩnh thị vệ Nội đại thần và Tông lệnh. Đến tháng 9 cùng năm, thay quyền Đô thống Mãn Châu Chính Hoàng kỳ.

Năm thứ 7 (1868), tháng 6, điều làm Đô thống Mông Cổ Tương Hồng kỳ[15]. Tháng 8 cùng năm, thay quyền Đô thống Hán quân Chính Bạch kỳ. Đến tháng 11 cùng năm, ông được phục chức Tương Hoàng kỳ Lĩnh thị vệ Nội đại thần[16].

Năm thứ 8 (1869), tháng 9, vì muốn chế tạo hỏa dược nên triều đình chiếm dụng Túc vương phủ làm nơi nghiên cứu và sản xuất. Ông cực lực kháng cự, nhưng lại bị Hoàng Đế hạ chiếu trách phạt không biết đại thể, liền bãi miễn hết chức vụ của ông. Ngày 22 tháng 12 (âm lịch) cùng năm, ông qua đời, thọ 66 tuổi, được truy thụy Túc Khác Thân vương (肃恪親王)[17].